Văn hóa
Thứ 4, 22/03/2023 | 21:00:00 [(GMT +7)]
Làng cổ Gò Cỏ trong không gian văn hóa Sa Huỳnh
Thứ 4, 22/03/2023 | 21:00:00 [(GMT +7)]
Nằm ở trung tâm của không gian văn hóa Sa Huỳnh thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, Gò Cỏ, một ngôi làng ven biển độc đáo, nơi hội tụ tinh hoa của ba nền văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt. Phát huy giá trị di sản, làng Gò Cỏ giờ đây đã trở thành điểm du lịch cộng đồng đón nhận du khách gần xa đến tận hưởng thiên nhiên hoang sơ cùng những dấu tích còn sót lại của nền văn hóa cổ.
Theo các nhà khoa học, Gò Cỏ hình thành từ thời văn hóa Sa Huỳnh cách đây khoảng 2.500 - 3.000 năm. Nằm trong vùng lõi của văn hóa Sa Huỳnh, tiếp nối là văn hóa Champa, làng cổ Gò Cỏ còn hiện tồn tại hàng loạt di tích.
11 giếng cổ được phân bố rải rác trong phạm vi Công viên di sản làng Gò Cỏ. Đặc điểm chung của các giếng là thành giếng được tạo bởi đá granite xếp tầng một cách tự nhiên, vừa khít, không cần đẽo gọt hay dùng xi măng.
Con đường đá cổ được hình thành từ thời kỳ của người Chăm Pa, bắt đầu từ khu vực Xóm trên của làng Gò Cỏ kết nối với bãi biển thôn Thạnh Đức 1, nơi có di tích bia ký Chăm Pa hàng nghìn năm tuổi.
Gắn liền với bãi biển là gành đá 250 - 400 triệu năm tuổi. Quá trình hình thành núi lửa, phong hóa tự nhiên cùng các tác động khác của sóng biển đã tạo ra những phiến đá với đủ loại màu sắc, hình khối khác nhau.
Đá hiện diện khắp mọi nơi trong làng Gò Cỏ. Đá là chất liệu để hình thành nên các công trình gắn với cuộc sống sinh hoạt của người dân như bờ rào, bờ suối. Những công trình cùng nhiều dấu tích khác bằng đá còn sót lại trên khắp dải đất Sa Huỳnh như bia ký, cầu đá, giếng Chăm vuông…là minh chứng cho sự tồn tại của người Chăm Pa, lớp người đã sinh sống trên dải đất Sa Huỳnh trước khi người Việt di cư tới.
Tiến sỹ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi
Tiến sỹ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Từ đường đi, móng nhà, mương nước, giếng cũng xếp đá. 1 điểm đặc biệt, vật liệu đá nên giữ nguyên vẹn, hiện tồn đến ngày nay. Cư dân cổ sống hướng ra biển, đánh cá, cư trú cận biển, tiếp xúc các tuyến từ biển và đất liền, cuộc sống rất phồn thịnh. Có 1 văn bia chứng tỏ rằng vị trí này rất quan trọng.
Làng Gò Cỏ chỉ có khoảng 105 ha, với hơn 80 hộ dân. Hiếm có nơi nào mà không gian sinh sống của các nền văn hóa cổ được giữ gìn nguyên vẹn như ở đây. Nằm giữa 2 dãy đồi cao, ngăn cách với các khu dân cư xung quanh. Địa hình ở đây đa dạng, vừa có núi, vừa có biển. Người dân bao năm sinh sống bằng nghề đánh cá và trồng trọt. Khai thác, phát huy giá trị di sản và vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, năm 2018, người dân làng Gò Cỏ bắt đầu học cách làm du lịch cộng đồng. Năm 2019, Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ được thành lập. Năm 2020, làng Gò Cỏ được công nhận là làng du lịch 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Ngày càng nhiều du khách biết và đến với Gò Cỏ.
Anh Trương Hiếu Nghĩa, Phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi
Anh Trương Hiếu Nghĩa, Phường Trần Phú, TP. Quảng Ngãi nói: Lần đầu tiên em đến, đọc trên báo chí, sắp xếp dẫn gia đình ghé thăm. Ấn tượng ở đây là cảnh đẹp, không khí trong lành.
Anh Bùi Nguyên Khánh, Phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi
Anh Bùi Nguyên Khánh, Phường Nghĩa Chánh, TP. Quảng Ngãi chia sẻ: Có hát bài chòi, homestay, khá thú vị, có thêm hiểu biết, mở rộng kiến thức về Quảng Ngãi.
Người dân Gò Cỏ đã biết cách làm du lịch ngày càng bài bản hơn. Những ngôi nhà được cải tạo, trang trí thành những homestay. Người dân tập luyện, biểu diễn hát bài chòi, hát hố để phục vụ du khách. Việc bố trí các tổ nhóm tham gia các dịch vụ, homestay được thực hiện bài bản, để người dân ai cũng hưởng lợi. Làng Gò Cỏ đang là điểm đến tuyệt vời, thỏa mãn nhu cầu của những du khách yêu chuộng sự hoang sơ và văn minh.
Chị Trần Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, Quảng Ngãi
Chị Trần Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Hợp tác xã du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, Quảng Ngãi cho biết: Cái slogan của làng là hoang sơ và văn minh. 5 năm trước và bây giờ mọi thứ dường như không thay đổi. Chỉ có nhận thức của người dân nâng lên. Bảo tồn cho con cháu và thu hút con cháu trở về với quê hương của mình.
Từ đầu năm đến nay đã có hơn 2.000 lượt du khách đến với Gò Cỏ. Biến ngôi làng, câu hát dân ca, bờ đá, giếng nước thành sản phẩm du lịch, người dân trong vùng lõi của không gian văn hóa Sa Huỳnh bắt đầu sống dựa vào di sản. Sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản. Đó là cách để di sản được bảo tồn và phát triển bền vững./.
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 22/3/2023/Minh Hiền, Duy Hưng
Ý kiến ()