Kinh tế
Thứ 5, 10/06/2021 | 14:48:00 [(GMT +7)]
Hàng không tê liệt cần được giải cứu
Thứ 5, 10/06/2021 | 14:48:00 [(GMT +7)]
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư tiếp tục làm tê liệt ngành hàng không. Nhiều hãng hàng không không còn con đường xoay xở, cạn kiệt dòng tiền, trong khi đó vẫn phải chi cho các hoạt động hàng chục tỷ đồng mỗi ngày. Khó khăn chồng chất, các hãng hàng không cần được giải cứu.
Hàng không tê liệt cần được giải cứu
Hai hãng hàng không VNA, VJ có đội tàu bay lên tới gần 200 chiếc với nhiều loại máy bay hiện đại với tần suất bay dày đặc. Thế nhưng, dịch covid-19 bùng phát lần thứ tư khiến hoạt động bay của các hãng hàng không tê liệt. 90 chiếc tàu bay của VNA giờ chỉ hoạt động cầm chừng khoảng 9 chiếc, còn lại nằm la liệt tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Sân đậu không còn đủ chỗ, đơn vị CHK quốc tế Nội Bài còn xin phép Cục Hàng không Việt Nam đóng toàn bộ đường lăn S1 để làm chỗ đỗ cho máy bay các hãng.
Ông Tô Tử Hà, Quyền Giám đốc Cảng Hàng không Nội Bài
Ông Tô Tử Hà, Quyền Giám đốc Cảng Hàng không Nội Bài, cho biết: Hiện nay riêng đối với cả sản lượng khách so với cùng kỳ năm ngoái tại cảng qua theo dõi các ngày vừa qua cũng đã sụt giảm từ 45-50%, sản lượng cất hạ cánh sụt giảm 40%. Cái này cũng là thiệt hại to lớn đối với ngành hàng không.
Dịp hè là mùa sôi động nhất của các cảng hàng không để đón khách du lịch, thế nhưng những ngày này, sân bay Quốc tế Nội Bài lớn thứ hai cả nước chỉ đón khoảng 5.000 - 6.000 khách với khoảng 60 - 70 chuyến bay. Nhiều khách trả vé lo ngại vì dịch, nhiều chuyến bay phải hoãn, hủy vì quá ít khách, khách ít, hoạt động bay giảm vì thế sân bay vắng “như chùa bà Đanh”.
Hành khách chia sẻ: Bình thường rất đông nhưng giờ chỉ có vài xe lác đác, vắng tanh.
Chưa khắc phục hết những thua lỗ do ảnh hưởng từ mấy đợt dịch trước, nay đại dịch COVID-19 lần 4 tiếp tục ập đến, đẩy các hãng hàng không vào tình cảnh tồi tệ nhất từ trước tới nay. Hàng loạt nhân viên phải nghỉ luân phiên hoặc nghỉ không lương, trong khi đó các hãng vẫn phải trả tiền thuê máy bay, lãi vay ngân hàng, phí bảo trì, bảo dưỡng.
Khách bay giảm, doanh thu bán vé lao dốc nên từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi ngày hai hãng hàng không VNA và VJ phải chi trên 150 tỷ đồng để đảm bảo hoạt động bay.
Theo một số chuyên gia, các hãng cần hỗ trợ gấp từ cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cần được vay vốn với lãi suất ưu đãi. Bởi đến thời điểm này chưa có bất kỳ loại phí hàng không nào được duyệt giảm như hồi tháng 6 năm ngoái.
Trong bối cảnh khó khăn, một số hãng hàng không buộc phải bán bớt tàu bay, cho nhân viên nghỉ việc và đi vay với lãi suất cao để duy trì hoạt động. Vì vậy rất cần triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ trên để hàng không vượt qua khó khăn, vươn lên sau dịch và đóng góp trở lại cho ngân sách, cho nền kinh tế và cho xã hội./.
Ý kiến ()