Văn hóa
Thứ 7, 12/03/2022 | 18:28:00 [(GMT +7)]
Hai người thầy ở làng tốt
Thứ 7, 12/03/2022 | 18:28:00 [(GMT +7)]
Làng Tốt ở xã vùng cao Ba Lế, của huyện Ba Tơ có một điểm trường và hai thầy giáo rất nhiệt tình dạy học các em học sinh tiểu học. Cùng tuổi, cùng hơn 25 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục vùng cao, hai người thầy vẫn miệt mài bám lớp để gieo ước mơ cho các em học sinh ở ngôi làng xa xôi, khó khăn nhất của huyện miền núi Ba Tơ.
Buổi lên lớp của các em học sinh tiểu học ở đ iểm trường làng Tốt
Nằm cách trung tâm xã Ba Lế hơn 12km, điểm trường ở làng Tốt có 21 học sinh, trong đó có 11 học sinh lớp 1 và 10 học sinh lớp 2. Tất cả đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số Hrê. 4 năm trước, điểm trường này có đủ học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Sau đó, học sinh lớp 3 đến lớp 5 được chuyển về điểm trường trung tâm của xã để học bán trú. Chỉ còn lại học sinh lớp 1, lớp 2 và hai người thầy.
Thầy Thới Chiến, Điểm trường làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ
Thầy Thới Chiến, Điểm trường làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi nói: Điểm đây chỉ có hai giáo viên đàn ông, có mình tui thì bám trụ ở đây liên tục, cứ đầu tuần lại lên, cuối tuần lại về.
Thầy Phạm Văn Rới, Điểm trường làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ
Thầy Phạm Văn Rới, Điểm trường làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi chia sẻ: Mình là người đồng bào, mà các em học sinh của mình cũng là người đồng bào nữa, mình dạy đôi khi là dễ một chút, các em biết nghe, chỗ nào nó không hiểu mình giải thích chỉ cho nó hiểu được.
Hai phòng học đã được Nhà nước đầu tư sửa sang lại nên thầy trò đã có nơi có điều kiện dạy và học tốt hơn. Nhưng chuyện học sinh vắng học không lí do vẫn thường xuyên. Hai thầy cùng phân công đến nhà vận động phụ huynh đưa con em đến lớp. Đặc biệt trong hai năm dịch COVID-19, thời điểm học sinh học trực tuyến, hai thầy đã chuyển từ “ bám trường” sang “ bám nhà” học sinh.
Thầy Thới Chiến, Điểm trường làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ
Thầy Thới Chiến, Điểm trường làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi nói: Khi dịch bệnh đến học trực tuyến ở đây gặp trở ngại rất nhiều vì ở đây không có sóng, không có dụng cụ học trực tuyến. Thầy phải thường xuyên bám nhà các em không rời. Các em còn nhỏ bỏ đi chơi lúc nào không hay nên mình bám nhà trực tiếp học sinh, yêu cầu học sinh ở nhà với mình để mình dạy, mình hướng dẫn học sinh học ở nhà.
Nhà của thầy Chiến ở xã Ba Cung. Còn thầy Rới ở thị trấn Ba Tơ. Đoạn đường từ nhà đến trường gần 30km. Thời tiết nắng ráo, hai thầy sẽ về thăm nhà vào dịp cuối tuần. Còn những ngày mưa phải ở lại. Mà thời gian ở lại trường nhiều hơn về nhà. Hai người đàn ông tự lo chuyện ăn uống. Khó khăn nhưng sự tiến bộ của học sinh là niềm vui của hai người thầy.
Thầy Thới Chiến, Điểm trường làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ chia sẻ: Khi thấy học sinh đọc được, viết được, học thường xuyên, bám trường bám lớp với thầy và các em ngoan, đó là niềm hạnh phúc nhất của bản thân tôi.
Thầy Phạm Văn Rới, Điểm trường làng Tốt, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ nói: Hai thầy lúc nào cũng vận động học sinh rồi tìm hiểu những hoàn cảnh cuộc sống ở đây để càng ngày các em học càng tốt hơn, để hai thầy khi ra về cũng đã thấy mình làm được một việc tuy nhỏ nhưng mình cũng đã hết sức mình rồi.
Ông Nguyễn Mậu Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Lế, huyện Ba Tơ
Ông Nguyễn Mậu Hải, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Ba Lế, huyện Ba Tơ cho biết: Hai thầy cũng có những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng vì điều kiện thực tế, đội ngũ giáo viên của nhà trường, hai thầy đã xung phong ở lại cống hiến ở làng Tốt trong thời gian từ nay đến năm 2024 để giúp các em.
Hành trình “gieo chữ”còn rất nhiều gian nan nhưng thầy Chiến, thầy Rới cùng nhiều thầy cô giáo khác đã luôn nhiệt tình, sống bằng lòng yêu nghề và trách nhiệm của nhà giáo. Tất cảvì sự nghiệp giáo dục ở vùng cao./.
Phi Khanh, Trường Thịnh, Lương Triều/PTQ
Ý kiến ()