Văn hóa
Thứ 6, 05/05/2023 | 22:27:00 [(GMT +7)]
Đặc sắc lễ khao lề thế lính Hoàng Sa
Thứ 6, 05/05/2023 | 22:27:00 [(GMT +7)]
Sáng nay 5/5 (nhằm 16/3 âm lịch), Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn, cùng các tộc họ làng An Vĩnh tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân công đức những hùng binh Hoàng Sa trong đội Hoàng Sa Bắc hải năm xưa đã vượt biển khơi cắm, dựng bia vĩnh hằng về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Mô hình thuyền câu, các phẩm vật tế lễ, hình nhân thế mạng và các linh vị của các Cai đội Hoàng Sa và những binh phu trong đội là những vật dụng không thể thiếu trong Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa.
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa diễn ra trong không khí trang nghiêm, thành kính của con cháu hôm nay với những hùng binh Hoàng Sa.
“Hoàng Sa trời nước mênh mông, người đi thì có mà không thấy về”, “Hoàng Sa mây nước bốn bề, Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa”.
Ông Trần Cường, Phó Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi
Ông Trần Cường, Phó Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi nói: Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, Lý Sơn tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm cũng là minh chứng khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Nghi lễ cũng giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu hôm nay và mai sau tiếp tục gìn giữ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Sau lễ Chánh tế Khao lề thế lính Hoàng Sa là tái hiện lại các nghi thức thế lính an vị các vong linh chiến sĩ Hoàng Sa và cúng cấp phát lương cho binh phu trước khi thả thuyền ra biển. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là lễ hội dân gian được bảo tồn, duy trì suốt hơn 400 năm qua.
Ông Nguyễn Minh Trí, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, Quảng Ngãi
Ông Nguyễn Minh Trí, Bí thư Huyện ủy Lý Sơn, Quảng Ngãi cho biết: Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa mang nhiều ý nghĩa, đó là khao quân tuyển người thân lên đường làm nhiệm vụ và cầu mong bình an cho những binh phu đi làm nhiệm vụ ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa có ngày trở về; đồng thời tưởng nhớ những người đã nằm lại với biển khơi vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Kết thúc phần tế lễ, tiếng ốc u được thổi lên từng hồi trầm hùng hiệu lệnh trai tráng trong làng rước mô hình 5 thuyền câu ra biển. Tái hiện lại lễ tiễn đưa các hùng binh Hoàng Sa Bắc hải năm xưa lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Các thuyền câu trực chỉ Hoàng Sa đầy thiêng liêng và tự hào. Con đường mà hơn 400 năm trước, cha ông đã từ đất đảo Lý Sơn vượt biển khơi trên những chiếc thuyền câu đơn sơ, chấp nhận các gian khổ và cả hy sinh, để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Ngư dân Trần Công Trí, Thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi
Ngư dân Trần Công Trí, Thôn Đông An Vĩnh, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi nói: Ngư dân chúng tôi kiên quyết bám biển giữ Hoàng Sa, Trường Sa, vùng biển mà cha ông ngày xưa đã cắm mốc bảo vệ.
Sau phần lễ đã diễn ra Hội đua thuyền truyền thống Tứ linh (Long, Lân, Quy Phụng). Trước đây, Hội đua thuyền truyền thống Tứ linh để tuyển chọn những dân binh khỏe mạnh, giỏi nghề đi biển để sung vào đội Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa thể hiện nét đẹp trong văn hóa tâm linh của người dân trên đảo Lý Sơn, là dịp để giáo dục truyền thống yêu nước, khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam./.
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 5/5/2023/Hữu Danh, Đình Nhựt
Ý kiến ()