Tin tức

Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác giai đoạn 2015 - 2020

Thứ năm, 01/10/2020 - 17:54

Sáng nay 01/10, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết hoạt động ủy thác giai đoạn 2015-2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Phiên đã chủ trì tại điểm cầu Quảng Ngãi.

 

Điểm cầu Quảng Ngãi. Ảnh: Duy Hưng
 
Giai đoạn 2015-2020, các chương trình tín dụng và khối lượng tín dụng Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện cho vay ủy thác thông qua các tổ chức chính trị, xã hội ngày càng tăng. Đến 31/8/2020, tổng dư nợ chương trình tín dụng thực hiện theo phương thức ủy thác là hơn 220 ngàn tỉ đồng, chiếm 99,56% tổng dư nợ, tăng hơn 90 ngàn tỉ đồng so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 11,8%. Thông qua hoạt động ủy thác đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng chung tay giúp đỡ người nghèo và các đối tượng chính sách. Không chỉ tạo điều kiện cho các đối tượng thụ hưởng tiếp cận vốn tín dụng một cách thuận lợi mà còn hướng dẫn, phổ biến kiến thức sản xuất, kinh doanh nhằm sử dụng vốn vay hiệu quả. Qua đó tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng sống của người dân…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Nguyễn Lam, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương đã nhấn mạnh, thời gian tới, tín dụng chính sách tiếp tục được khẳng định là công cụ kinh tế hữu hiệu của nhà nước trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; góp phần thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Để đạt được mục tiêu đó, Ngân hàng chính sách xã hội cần tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó tập trung tham mưu và tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40 của Ban Bí thư trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng chính sách; chỉ đạo tổ chức chính trị các cấp thực hiện tốt nội dung công việc ủy thác, kịp thời chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, hạn chế phát sinh; nhân rộng các mô hình điển hình, hiệu quả, nhất là tại vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số./.
Thu Thảo

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng