Tin tức

Thảo luận về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng

Thứ bảy, 23/05/2020 - 11:25

Tiếp tục kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV trực tuyến, sáng nay (23.5), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Tham dự tại điểm cầu Quảng Ngãi có Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư tỉnh ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Viết Chữ, Phó chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Thị Thu Trang, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Minh-Phó Chủ tịch HĐND tỉnh và đại biểu Hồ Thị Vân - Trưởng cơ quan Tổ chức và Nội vụ huyện Trà Bồng.

 

Trong buổi sáng nay, Quốc hội nghe  Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Cư trú (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác .

Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng: xây dựng mô hình tổ chức 01 cấp chính quyền địa phương (cấp Thành phố) và 02 cấp hành chính (quận, phường). Theo mô hình này, các cấp chính quyền đô thị thành phố Đà Nẵng được thiết kế như sau: Tổ chức chính quyền cấp Thành phố: Là một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND) theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Tổ chức chính quyền cấp quận và cấp phường thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận và HĐND phường bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 – 2026. Chính quyền địa phương ở các quận là UBND quận; UBND phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường. Tuy nhiên, chỉ áp dụng mô hình không tổ chức HĐND ở các quận, phường. Đối với huyện Hòa Vang và các xã thuộc huyện Hòa Vang vẫn tiếp tục duy trì cấp chính quyền hoàn chỉnh gồm HĐND và UBND. Mô hình thí điểm tổ chức chính quyền địa phương nêu trên là tương tự với quy định về thí điểm chính quyền đô thị thành phố Hà Nội tại Nghị quyết số 97 ngày 27/11/2019 của Quốc hội.

Dự thảo Nghị quyết đề xuất phân quyền cho HĐND, UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố thực hiện trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch Thành phố, điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị Thành phố như quy định tại dự thảo Nghị quyết.

Về quản lý tài chính - ngân sách, dự thảo Nghị quyết quy định về ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách về trung ương: “Năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách giai đoạn 2021-2025, Chính phủ xem xét trình Quốc hội quyết định tỷ lệ điều tiết phù hợp cho ngân sách Thành phố để đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố”. Đồng thời để tạo chủ động, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép Thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và trao quyền cho HĐND Thành phố điều chỉnh chính sách về phí, lệ phí đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Các quy định này tương tự như cơ chế áp dụng cho thành phố Hồ Chí Minh tại Nghị quyết 54 năm 2017 của Quốc hội.

 

Các đại biểu tham gia thảo luận.

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến phát biểu bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng bảo đảm cơ sở chính trị - pháp lý, phù hợp với Nghị quyết số 18 ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII), Nghị quyết số 43 ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, lưu ý việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị ở thành phố Đà Nẵng là vấn đề lớn, quan trọng, mang tính chính trị - xã hội sâu sắc, cần được nghiên cứu một cách thận trọng, kỹ lưỡng.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, đoàn Đồng Tháp cho rằng, các mô hình thí điểm đối với các địa phương này cần phải nghiên cứu một cách bài bản, nằm trong một kế hoạch tổng thể gắn với một giai đoạn nhất định để có thực tiễn xây dựng mô hình chính quyền đô thị với những cơ chế, chính sách đặc thù chung cho các thành phố.

Đại biểu Lê Tuyết  Hạnh, đoàn Bình Định cho rằng, Dự thảo Nghị quyết thể hiện khá rõ việc mở rộng, cụ thể hóa và minh bạch cơ chế phân quyền, phân cấp và ủy quyền quản lý nhà nước giữa trung ương và đại phương theo các Điều 12, 13, 14 của Luật tổ chức Chính quyền địa phương, cũng như mô hình tổ chức cấp chính quyền theo Điều 111 của Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, trước đây Đà Nẵng thực hiện chính quyền 3 cấp, bây giờ thực hiện chính quyền một cấp nên có nhiều điểm mới, rất cần có sự đột phá.

Sau khi nghe các ý kiến góp ý, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình thêm đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội.
 
 Thiện Hòa 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng