Tin tức

Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy

Thứ sáu, 15/11/2019 - 16:21

Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy

Phát biểu thảo luận tại phiên họp Quốc hội (ngày 13.11) về Báo cáo giám sát tối cao của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, giai đoạn 2014-2018, đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đánh giá cao báo cáo kết quả giám sát nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước và đề cao trách nhiệm của toàn dân đối với hoạt động phòng cháy và chữa cháy; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội.
Theo báo cáo kết quả giám sát: “Nguyên nhân trực tiếp gây ra cháy chủ yếu là: do sơ xuất, bất cẩn trong sử dụng lửa, khí đốt 3.291 vụ (chiếm 29,18%); do sự cố hệ thống, thiết bị điện (6.458 vụchiếm 57,27%); trong tổng số 13.149 vụ cháy. Nguyên nhân dẫn đến cháy lớn chủ yếu do việc phát hiện và báo cháy muộn (chiếm hơn 80%)”. Đồng thời, công tác PCCC phải lấy “phòng ngừa” là chính.
Từ thực tiễn trên, đại biểu đề nghị Chính phủ hai vấn đề quan trọng.
- Thứ nhất, việc trang bị kiến thức và kỹ năng về PCCC, nhất là các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, phòng phát sinh nguồn lửa; kỹ năng nhận biết và xử lý tình huống khi phát hiện cháy và kỹ năng sinh tồn, thoát hiểm để hạn chế thương vong: Báo cáo đã nêu rõ “Đa số người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người (nơi có rừng) hiểu biết vẫn chưa đầy đủ, thậm chí thiếu hiểu biết những quy định của pháp luật về PCCC (minh chứng là một số vụ cháy rừng do người dân đốt nương rẫy, đốt rác trong vườn vô ý, không kiểm soát được lửa); nhiều nơi ở các thành phố, đô thị trên cả nước, người dân thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC đến mức không biết cháy thì phải làm sao, thoát nạn như thế nào (minh chứng là có 52/126 vụ báo cháy chậm sau 10 phút, thậm chí có vụ sau 30 phút; hơn 80% số vụ cháy lớn có thời gian cháy tự do trên 10 phút nên đã tạo điều kiện cho đám cháy phát triển lớn; tình trạng rào chắn những chuồng cọp, nhà lồng trong thành phố; câu móc tùy tiện điện sinh hoạt và nơi buôn bán tại các chợ còn phổ biến)…; bên cạnh đó, một bộ phận có hiểu biết nhưng lại không tự giác chấp hành pháp luật về PCCC. Thực tế cho thấy số vụ cháy do người dân bất cẩn, sơ suất trong sử dụng lửa, khí đốt, thiếu kiến thức cơ bản về PCCC vẫn chiếm tỷ lệ caoĐồng thời, trong số 346 người chết và 823 người bị thương, bên cạnh việc điều tra nguyên nhân cháy, chưa được đánh giá về kỹ năng, khả năng thoát hiểm của người gặp nạn.
Đại biểu cho rằng, bên cạnh nhận thức của một bộ phận người dân có phần hạn chế về quy định pháp luật, kỹ năng PCCC thì có phần trách nhiệm rất lớn của các cơ quan, địa phương, tổ chức có liên quan về trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về phòng cháy và chữa cháy, nhưng chưa nêu rõ trong báo cáo trong phần xác định trách nhiệm của các cơ quan (mà chỉ chủ yếu nêu ở phần kiến nghị). Điều này đã quy định rất rõ tại Điều 6 của Luật PCCC (năm 2001) là:  Các cơ quan thông tin, tuyên truyền có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy và chữa cháy thường xuyên, rộng rãi đến toàn dân. Cơ quan, tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy và chữa cháy cho mọi người trong phạm vi quản lý của mình. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành văn bản quy định về lồng ghép kiến thức, kỹ năng PCCC vào chương trình giảng dạy, hoạt động ngoại khóa. Bộ Giao thông vận tải chưa đưa nội dung, thời lượng giảng dạy kiến thức PCCC vào chương trình đào tạo lái xe. Công tác huấn luyện, bồi dưỡng của Cảnh sát PCCC đối với lực lượng dân phòng và lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở còn rất hạn chế. Đến nay chỉ có 4/63 tỉnh, thành phố ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân quy định việc xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực theo quy định tại Điều 63a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC (năm 2013) về “Xử lý các cơ sở không bảo đảm yêu cầu về phòng cháy và chữa cháy được đưa vào sử dụng trước khi Luật phòng cháy và chữa cháy số 27/2001/QH10 có hiệu lực”.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ phải đánh giá, kiểm điểm nghiêm túc về trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng PCCC và trách nhiệm trong thực thi pháp luật về PCCC. Đồng thời, đồng tình với giải pháp theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về: “Tập trung nâng cao nhận thức của người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị, đi sâu trang bị cho người dân những kiến thức, kỹ năng thực sự cần thiết, như: kiến thức về phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu; tăng cường thời lượng, ưu tiên bố trí khung giờ tuyên truyền. Chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện giáo trình, bài giảng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng; đưa nội dung giảng dạy kiến thức, kỹ năng PCCC và cứu hộ cứu nạn vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường bắt đầu từ năm học 2021 – 2022”.
- Thứ hai, về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm: Bên cạnh việc nâng cao nhận thức thì công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát việc khắc phục sau thanh tra kiểm tra có vai trò rất quan trọng. Các bộ, ngành đã chủ động phối hợp, đặc biệt với Bộ Công an xây dựng, ban hành quy chế, kế hoạch tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC. Thường xuyên chỉ đạo, tổ chức thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC, kịp thời phát hiện và có hướng xử lý đối với các hành vi vi phạm đối với cơ sở không bảo đảm an toàn PCCC. Cơ quan chức năng đã tiến hành 357 cuộc thanh tra, tổ chức kiểm tra an toàn PCCC 1.575.154 lượt; lập 1.575.154 biên bản kiểm tra, đã kịp thời phát hiện tồn tại, thiếu sót, ban hành 98.384 công văn kiến nghị. Tuy nhiên, còn nhiều đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chỉ chú trọng đến lợi ích kinh tế, ưu tiên sản xuất, kinh doanh, ít quan tâm đầu tư cho công tác PCCC, việc đầu tư cho hệ thống PCCC tại chỗ nhiều nơi còn mang tính đối phó; sau khi cơ quan chức năng kết thúc kiểm tra thì lại không duy trì nghiêm túc các điều kiện an toàn PCCC.
Từ đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Công an cần xem xét, đánh giá và có giải pháp về:
Khắc phục hạn chế về quân số và bảo đảm về quân số; có cơ chế sử dụng, huy động được lực lượng chiến sĩ PCCC sau khi hoàn thành nghĩa vụ; bảo đảm tính chuyên nghiệp của lực lượng cảnh sát PCCC.
Đánh giá lại hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra công tác PCCC; việc khắc phục, tư vấn, hỗ trợ cơ sở trong xử lý dứt điểm vi phạm, sơ hở về bảo đảm an toàn PCCC; việc xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCCC để bảo đảm nghiêm túc việc thực thi pháp luật (không chỉ riêng trách nhiệm của cơ sở trong bảo vệ tài sản, nhân mạng của chính mình mà còn là nghĩa vụ đối với xã hội).
Rà soát lại cơ chế, quy chế và trách nhiệm của các cơ quan trong công tác phối hợp giữa các lực lượng (xây dựng, giao thông, công an,...) trong thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC.
Tập trung chỉ đạo đẩy mạnh xã hội hóa công tác PCCC; sớm ban hành chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tích cực tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật về PCCC; nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH; mua sắm phương tiện PCCC và CNCH. Nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở và người dân khắc phục những khó khăn về vấn đề kinh phí và dễ dàng hơn trong tiếp cận được với các thiết bị, phương tiện PCCC.
                                                     quangngai.gov.vn

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng