Văn hóa
Chủ nhật, 02/07/2023 | 21:26:00 [(GMT +7)]
Lễ giỗ 455 năm ngày mất của Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán
Chủ nhật, 02/07/2023 | 21:26:00 [(GMT +7)]
Sáng nay 02/7, tại Khu Di tích cấp Quốc gia Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán ở phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi diễn ra Lễ giỗ 455 năm ngày mất của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán. Đến dự có Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Cao Phúc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đặng Ngọc Dũng, cùng lãnh đạo các Sở, ngành cùng đông đảo con cháu tộc họ Bùi khắp cả nước.
Rất đông con cháu tộc họ Bùi khắp mọi miền đất nước đã về Khu Di tích cấp Quốc gia Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán dịp lễ giỗ 455 của ông. Từ sáng sớm, Hội đồng Bùi Tộc Việt Nam, Hội đồng Bùi Tộc tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức lễ thượng cờ, cung thỉnh sắc phong, và lễ giỗ theo nghi thức truyền thống.
Đoàn đại biểu của tỉnh Quảng Ngãi do Phó Bí thư Tỉnh ủy Đinh Thị Hồng Minh dẫn đầu cùng với đoàn tộc họ Bùi các tỉnh thành, các địa phương trong tỉnh, người dân đã thành kính dâng hương tại Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán. Ghi nhớ công ơn của Trấn Quốc công, một danh tướng nổi tiếng trong lịch sử. Người có công khai phá, ổn định đời sống cho Nhân dân vùng đất Thừa Tuyên Quảng Nam xưa và tỉnh Quảng Ngãi. Con cháu họ Bùi cả nước trở về trong ngày giỗ của với sự tự hào và gắn kết.
Ông Bùi Tuấn Hoà, Con cháu đời thứ 15 của Tộc Họ Bùi đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh
Ông Bùi Tuấn Hoà, Con cháu đời thứ 15 của Tộc Họ Bùi đang sinh sống tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: Hôm nay mình ở Sài Gòn ra, cảm xúc mình thấy tự hào, cảm thấy rất ấm cúng bởi Ban Tổ chức tổ chức rất tốt, trân trọng. Mọi người ai cũng phấn khởi, hồ hởi nhiệt tình tham gia. Mình cảm thấy tự hào kết nối với bà con ở đây.
Trần Quốc công Bùi Tá Hán là người Châu Hoan, Nghệ An, sinh năm 1496 trong một gia đình danh nho. Ông nổi danh là vị tướng trí dũng song toàn. Sau khi nhà Lê suy yếu và bị mất ngôi vào năm 1527, ông theo cựu thần nhà Lê là Nguyễn Kim, xướng nghĩa cần vương, khôi phục nhà Lê, lập nhiều công lao. Năm 1545, ông được triều đình nhà Lê phong làm Bắc quân Đô đốc, đem quân đi vỗ yên biên trấn Quảng Nam, là vùng đất từ Đà Nẵng đến Phú Yên ngày nay. Ông được vua Lê sắc phong làm trấn thủ Thừa tuyên Quảng Nam, ban tước Trấn Quận công vào năm 1546. Từ đây, vùng đất Quảng Nam ngày càng ổn định và thịnh vượng. Là chỗ dựa vững chắc cho chúa Nguyễn sau này. Ông mất năm Mậu Thìn 1568. Nhân dân họ Bùi đã lập đền thờ của ông ở núi Ông, sau đó chuyển về rừng Lăng, nay thuộc phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi. Ghi nhận công trạng của Bùi Tá Hán, các triều đại phong kiến sau này đã tôn vinh, ban nhiều sắc phong thần. Năm 1990, Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán được xếp hạng di tích lịch sử văn hoá Quốc gia. Hằng năm, vào ngày rằm tháng 5 âm lịch, con cháu tộc họ Bùi khắp cả nước tề tựu về ngày giỗ của ông.
Ông Bùi Quang Khoa, Phó Văn phòng Hội đồng Tộc Bùi Việt Nam
Ông Bùi Quang Khoa, Phó Văn phòng Hội đồng Tộc Bùi Việt Nam chia sẻ: Ngày giỗ đây cũng là tục thờ cúng tổ tiên, nét văn hoá của người Việt Nam. Chúng tôi cũng rất mong muốn có ngày này để anh em chúng ta các tỉnh gặp nhau. Tay bắt mặt mừng và biết nhau. Anh em ở 63 tỉnh, thành được gặp nhau cảm động và quý lắm.
Nhân Lễ giỗ 455 năm của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Hoàng Tuấn thay mặt lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ lòng thành kính, biết ơn sâu sắc đến Trấn Quốc công. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Quảng Ngãi luôn xác định trách nhiệm gìn giữ, tôn tạo để di tích ngày càng xứng đáng với tầm vóc và công lao to lớn của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán với quê hương, đất nước và vùng đất Quảng Ngãi. Từ năm 1990 đến nay, Quảng Ngãi đã đầu tư, bảo tồn di tích, tôn tạo và tu bổ phần kiến trúc Lăng mộ, tạo điều kiện thuận lợi để con cháu của ông và người dân cả nước đến thăm viếng, tưởng niệm.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Hoàng Tuấn cho biết: Năm 2021 Uỷ ban tỉnh đã có quyết định chủ trương đầu tư toàn bộ di tích về dinh, cũng như đền thờ của Trấn Quốc công Bùi Tá Hán. Đến nay cơ bản dự án đã hoàn thành và góp phần phát huy giá trị của di tích vì Trấn quốc công Bùi tá Hán đã có công lớn, là danh tướng được lưu danh trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt ông có công lớn trong việc chấn hưng, cũng như bình yên cho vùng đất Quảng tiên, từ vùng Quảng Nam đến Phú Yên ngày nay. Được bà con nhân dân thời bấy giờ cũng như sau này luôn ghi nhớ công ơn của ông, trong thời gian ông làm đô đốc.
Danh xưng Trấn Quốc công tôn vinh Bùi Tá Hán là sự ghi nhận không chỉ của triều đình, còn là sự ngưỡng mộ, tôn kính của người dân xứ Quảng và cả dải đất Nam Trung bộ dành cho ông. Quảng Ngãi có dinh miếu thờ ông ở nhiều địa phương như Lý Sơn, Mộ Đức, Sơn Hà, Trà Bồng. Đặc biệt, Khu di tích Quốc gia Mộ và Đền thờ Trấn Quốc công Bùi Tá Hán ở phường Quảng Phú, thành phố Quảng Ngãi là nơi người dân trong tỉnh và cả nước đến viếng thăm, tưởng nhớ đến vị tướng tài năng về quân sự, một nhà cải cách đầy tâm huyết, hết lòng vì sự phát triển và ổn định cuộc sống bình yên, mang lại ấm no hạnh phúc cho Nhân dân. Mộ và Đền thờ của ông trở thành điểm gắn kết cộng đồng Nhân dân họ Bùi, kết nối con cháu trên mọi miền đất nước./.
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 02/7/2023/Thảo Linh, Ngọc Điệp
Ý kiến ()