Tin tức

Tái hiện “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”

Thứ năm, 22/06/2023 - 07:13

Hôm nay (5/5 âm lịch) là ngày Tết Đoan Ngọ. Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, Đoan Ngọ được xem là một trong những dịp lễ tết quan trọng bậc nhất. Từ xa xưa, cha ông ta đã truyền tụng câu ca: “Tháng tư đong đậu nấu chè/ Ăn Tết Đoan Ngọ trở về tháng năm”. Nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa dân tộc, phát huy giá trị văn hóa cung đình Thăng Long, trong dịp Tết Đoan Ngọ năm nay, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội tổ chức chương trình “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa” với nhiều điểm mới, mang đậm dấu ấn cung đình.


Tái hiện “Tết Đoan Ngọ Thăng Long xưa”
 
Tại chương trình, các nghi lễ trong ngày Tết Đoan Ngọ đã được diễn ra trong sự trang trọng, để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng cho người xem. Điểm nhấn chính là hoạt động thực hiện nghi lễ tiến phẩm, dâng hương lên các vị tiên đế và thể nghiệm nghi lễ ban quạt trong hoàng cung xưa. Đây là 2 trong 4 nghi lễ tết Đoan Ngọ quan trọng của triều đình thời Lê Trung Hưng được các thành viên Hội Di sản Văn hóa Thăng Long - Hà Nội và Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên tái hiện. Những người tham gia đều vận trang phục cung đình xưa, được thực hành các nghi thức và được đón nhận quạt do vua ban.

Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội, cho biết: Mùa nóng nên phải ban quạt cho mát mẻ, mùa hè nóng, ngoài ban quạt có những loại thuốc nam để làm con người khỏe mạnh, từ năm ngoái thể hiện Tết đoan Ngọ, năm nay mới hơn là dâng lên các tiên đế các sản vật khi tiến hành Tết Đoan Ngọ.

Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức không gian trưng bày và trải nghiệm “Quạt trong đời sống”. Tết Đoan Ngọ trong cung đình và ngoài dân gian tuy có những lễ nghi, phong tục khác nhau nhưng đều là dịp con cháu tìm về cội nguồn, nhớ ơn công đức tổ tiên. Theo quan niệm dân gian,đây là dịp dâng cúng sản vật của mùa Hạ cầu mong sức khỏe bình an, trừ sâu bệnh.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan nói: có những nghi lễ phong tục phong phú quan trọng sinh động, nào là khảo cây để cây phải ra hoa ra quả, tôi đi hái thuốc, rồi đi bồ tu bồ túi, cả một nền văn hóa dân gian sinh động ấy mang tên Giết sâu bọ, trên nền tảng ấy mới mọc lên phần văn hóa cung đình mà gọi là Tết Đoan Ngọ hôm nay chúng ta được xem.
Em Nguyễn Cẩm Tú – Trường Tiểu học Nam Thành Công, Hà Nội, bộc bạch: con học được nhiều điều, con học được làm quạt, con rất vui được đến đây, con sẽ xin bố mẹ để lần sau được đến đây nữa.

Trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội rất chú trọng công tác nghiên cứu và phát huy giá trị văn hóa phi vật thế, đặc biệt là nghiên cứu tái hiện những nghi lễ trong cung đình. Đây là nội dung quan trọng nằm bảo tồn và phát huy giá trị khu di sản văn hóa thế giới này./.

 
Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng