Tin tức

Quảng Ngãi hiện thực hóa khát vọng trở thành tỉnh phát triển khá ở khu vực miền Trung

Thứ sáu, 24/03/2023 - 16:21

Quảng Ngãi sau 48 năm ngày giải phóng. Từ một tỉnh có xuất phát điểm nhiều bất lợi so với các tỉnh, thành ở khu vực miền Trung, đến nay Quảng Ngãi đã vươn mình, trở thành địa phương có quy mô nền kinh tế đứng ở tốp đầu. Đây là kết quả của sự năng động, sáng tạo và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân của tỉnh qua các thời kỳ. Trước thời cơ và vận hội mới, Quảng Ngãi quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu vươn lên trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung vào năm 2025 và tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030.

 

 
Quảng Ngãi khai thác tối đa lợi thế cảng nước sâu Dung Quất để phát triển ngành công nghiệp nặng. Sau khi nhà máy lọc dầu đầu tiên được đầu tư ở Dung Quất thì đến nay, nhiều dự án có quy mô lớn đã được triển khai xây dựng, đặc biệt là Khu liên hợp gang thép Dung Quất với tổng vốn đầu tư lên đến 60 nghìn tỷ đồng. Nhờ thu hút  nhiều dự án công nghiệp quy mô lớn giúp cho giá trị công nghiệp của Quảng Ngãi hơn 10 năm qua đều ở mức cao khu vực miền Trung. Riêng năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp đạt hơn 129 nghỉn tỷ đồng, đứng thứ 2 so với 14 tỉnh, thành ở khu vực miền Trung.
 

Ông Đinh Văn Chung, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát - Dung Quất 
 
Ông Đinh Văn Chung, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát - Dung Quất cho biết: Quảng Ngãi có rất nhiều lợi thế, là một tỉnh trọng điểm của miền trung, có rất nhiều ưu điểm về hạ tầng giao thông, cảng biển, đặc biệt là cơ chế chính sách của tỉnh cũng đang thu hút rất nhiều ngành nghề công nghiệp phù hợp với tập đoàn Hòa Phát chúng tôi, sau Hòa Phát Dung Quất 1 chúng tôi tiếp tục mở rộng Hòa Phát Dung Quất 2, ngoài ra cũng có một số các dự án về cảng, Khu công nghiệp và khu đô thị của Hòa Phát đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

 
 
Khu kinh tế Dung Quất hiện là đầu tàu phát triển công nghiệp của khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên. Trong khu vực này có 11 khu kinh tế. Trong năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp KKT Dung Quất chiếm đến 60% và nộp ngân sách chiếm 63% trong tổng số 11 khu kinh tế. Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là cơ hội mới để Điều chỉnh xây dựng KKT Dung Quất trở thành một khu vực phát triển kinh tế năng động, đột phá, hiện đại, hiệu quả và bền vững.

 

Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi
 
Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho biết: Hiện nay vai trò và tầm quan trọng của KKT Dung Quất đóng góp vào cái chung của tỉnh cũng nhu khu vực rất quan trọng, nhưng dự địa phát triển của KKT Dung Quất còn rất nhiều, chúng ta đang rà soát lại các dự án đầu tư mà cấp cho nhà đầu tư nhưng nhà đầu tư triển khai chậm hoặc không triển khai hoặc chưa đưa đất kịp thời và sử dụng thì chúng tôi phải tập trung xử lý, mặt khác thì chúng ta thực hiện quy hoạch chung điều chỉnh để mở ra những quỹ đất mới và tạo điều kiện thu hút những nhà đầu tư chiến lược, đây chính là đòn bẩy phát triển cho tương lai.
 
Trong những năm qua, kinh tế tăng trưởng và thu ngân sách cao đã giúp cho tỉnh Quảng Ngãi có điều kiện đầu tư ở những khu vực còn khó khăn như nông thôn, miền núi và thực hiện tốt các chế độ, chính sách về an sinh xã hội, hỗ trợ kịp thời cho các gia đình chính sách.

 
 
Nông thôn ở tỉnh Quảng Ngãi sau 12 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Bằng sự chỉ đạo triển khai tích cực, quyết liệt và sự chung tay, đồng lòng của nhân dân, đến cuối năm 2022, tỉnh Quảng Ngãi có 93/148 xã về đích. Nông thôn mới đã mang tới sắc diện mới vùng nông thôn. Nhà cửa, tường rào được chỉnh trang, những con đường hoa đang ngày một nối dài. Đó là cuộc sống mới, cuộc sống với những sắc màu hạnh phúc ấm no lan tỏa khắp vùng nông thôn tỉnh Quảng Ngãi.

 
 
Ông Nguyễn Văn Ký, Xã Phổ An, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi cho biết: Khi chủ trương đường lối của Đảng đưa ra thì nhân dân người ta hưởng ứng, phát triển nông thôn mới Phổ An tập trung xây dựng lên thì bà con cho đất mở rộng xây dựng con đường trong thôn xóm của mình cho nó sạch, đẹp, so với những năm trước đây thì bây giờ quá sướng.

 
 
Từ một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm gặp nhiều bất lợi, đến năm 2022, quy mô nền kinh tế của tỉnh Quảng Ngãi đứng thứ 18 tỉnh, thành trong cả nước. Kinh tế tăng trưởng cao đã giúp cho số thu ngân sách của tỉnh vượt xa dự toán trung ương giao và đạt cao nhất từ trước đến nay. Năm 2022, Quảng Ngãi thu ngân sách đạt gần 34 nhìn tỷ đồng, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành có số thu ngân sách cao nhất trong cả nước. Quảng Ngãi nằm trong tốp 5 tỉnh, thành vượt dự toán năm cao nhất.
 
Dẫu còn khó khăn, thách thức trong hành trình thực hiện khát vọng đưa Quảng Ngãi trở thành phát triển khá ở khu vực miền Trung vào năm 2025 và phát triển khá của cả nước vào năm 2030, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân sẽ chung sức, đồng lòng vượt lên chính mình, đổi mới tư duy, quyết liệt hành động tạo sức bật phát triển mới.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho rằng: Với tinh thần càng khó khăn thì chúng ta càng nỗ lực cố gắng, càng khó khăn thì chúng ta phải càng đoàn kết, và với một quyết tâm chính trị rất cao đó là càng khó khăn thì phải quyết liệt hơn và hành động mạnh mẽ hơn, có tinh thần trách nhiệm cao hơn thì hy vọng rằng với phương châm làm việc đó với sự đoàn kết có truyền thống của Quảng Ngãi mà đặc biệt là những thành tựu đạt được trong 2 năm đầu của nhiệm kỳ, tôi tin tưởng rằng năm 2023 mặc dù khó khăn nhưng chúng ta sẽ vượt qua và sẽ thu được nhiều thành quả, thành quả đó nó sẽ phụ thuộc vào sự nỗ lực, ý chí của tất cả chúng ta, sự nỗ lực ý chí đó chắc chắn tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ngãi sẽ đồng hành, sẽ cùng phấn đấu để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đã được đặt ra.

 
 
Hiện, các cấp ủy đảng, chính quyền ở tỉnh Quảng Ngãi bám sát những định hướng lớn của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 20 để cụ thể hóa bằng những giải pháp thiết thực trong tất cả các lĩnh vực. Mới đây, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 26/2022 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với sự phát triển khu vực này. Đặc biệt. tỉnh Quảng Ngãi có 2 đề án lớn cần thực hiện trong thời gian tới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế. Đó là xây dựng đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển, đảo và Trung tâm Lọc hoá dầu và năng lượng Quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

 

Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn
 
Ông Nguyễn Văn Hội, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết: Chúng ta xây dựng chiến lược thì trong chiến lược đó chúng tôi cũng có kế hoạch chuyển đổi dần sang từ lọc dầu sang hóa dầu, để thực hiện chiến lược đó thì tư vấn đang hỗ trợ cho chúng tôi tìm kiếm những sản phẩm hóa dầu phù hợp nhất và hiệu quả nhất và trên nền tảng đó chúng tôi sẽ xây dựng dự án trong thời gian tới để chuyển đổi sang hóa dầu.

 

Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân 
 
Ủy viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết: Nghị Quyết 26 của Bộ chính trị đặt vấn đề xây dựng và mở rộng KKT Dung Quất trở thành trung tâm năng lượng và lọc hóa dầu quốc gia là một quyết sách rất quan trọng của Bộ chính trị cũng thể hiện sự quan tâm của Bộ chính trị đối với sự phát triển KTXH của vùng miền Trung trong đó có tỉnh Quảng Ngãi, đối với Quảng Ngãi Ban thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhìn nhận đây là một cơ hội rất tốt để tạo động lực mới cho sự phát triển của Quảng Ngãi trong giai đoạn đến, hiện nay trên địa bàn của KKT Dung Quất tỉnh đã trình chính phủ điều chỉnh quy hoạch xây dựng chung KKT Dung Quất đến 45.000ha, tỉnh cũng đã có kế hoạch đầu tư đồng bộ về hạ tầng cũng như các điều kiện khác để tạo tính kết nối và điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của KKT Dung Quất. Vì vậy với việc mở rộng và xây dựng Trung tâm năng lượng Lọc hóa dầu quốc gia thì Quảng Ngãi có đủ các điều kiện tiền đề để thực hiện việc này. Đối với Quảng Ngãi thì việc xây dựng Trung tâm năng lượng Lọc hóa dầu quốc gia ở đây nó sẽ tạo đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi với hạt nhân là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng như các ngành công nghiệp khác đang thực hiện trên địa bàn Quảng Ngãi, vì vậy trong thời gian đến Quảng Ngãi cũng đã tham mưu và báo cáo với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để giao cho các bộ ngành cùng các cơ quan có liên quan cùng với tỉnh Quảng Ngãi xây dựng đề án tiển khai để có lộ trình bước đi phù hợp và Quảng Ngãi sẽ tích cực để thực hiện lộ trình này để làm thế nào mục tiêu này sớm trở thành hiện thực.

 
 
48 năm sau ngày giải phóng là một mốc son, đánh dấu sự phấn đấu bền bỉ, ý chí vượt lên thử thách, khó khăn, đánh dấu thành tựu đổi mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Chặng đường phía trước đang mở ra cho Quảng Ngãi nhiều thời cơ, thuận lợi để phát triển nhưng cũng đan xen không ít khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với khát vọng vươn lên, Quảng Ngãi đổi mới mạnh mẽ tư duy, khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững như đã định hình trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2025. Đó là định hình không gian, tầm nhìn phát triển thể hiện qua cấu trúc 4 hành lang kinh tế chiến lược, 5 vùng liên huyện kết nối, 6 không gian kinh tế động lực. Đây được xem là cấu trúc của sự phát triển cân bằng, liên kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa khu vực duyên hải, trung du, miền núi và hải đảo của tỉnh Quảng Ngãi./.
 
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 23/3/2023/Tăng Thư, Mỹ An
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng