Tin tức

Nền văn hóa cổ Sa Huỳnh

Thứ tư, 22/03/2023 - 22:00

Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Năm 1909, nhà khảo cổ người Pháp M. Vinet cho khai quật và phát hiện một lượng lớn mộ chum tại Gò Ma Vương, thuộc vùng đất Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi. Các cuộc khảo cổ liên tiếp sau đó đã giúp các nhà nghiên cứu đi đến một nhận định khoa học là nền văn hóa cổ này có niên đại sớm nhất khoảng 3.000 năm và kết thúc vào thế kỉ 2, sau công nguyên. Định danh cho nền văn hóa này, là lấy tên của vùng đất phát hiện - Văn hóa Sa Huỳnh.

 

 
Gò Ma Vương ở thị xã Đức Phổ, một đồi cát dài khoảng 100m, cao 9m, nằm dọc theo bờ biển ở phía Đông Nam đầm An Khê. Nơi đây, các nhà khảo cổ học người Pháp lần đầu tiên phát hiện ra nền văn hoá Sa Huỳnh với hơn 200 chum mộ táng nằm trong lòng đất cát.
 

Tiến sỹ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi
 
Tiến sỹ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Tìm thấy các chum chôn đứng và trong có rất nhiều đồ trang sức mã não. Đó là công bố đầu tiên về Kho chum Sa Huỳnh. Chính công bố này người ta lấy một mốc thời gian để phát hiện và nghiên cứu văn hoá Sa Huỳnh. Đó là năm 1909.

 
 
Thông báo đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh trên tạp chí của Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp lúc bấy giờ chỉ dừng lại ở một phát hiện mới về khảo cổ. Đến năm 1923, vợ của viên thuế quan người Pháp tại Sa Huỳnh là bà La Barre đã huy động hàng trăm người dân đào 240 mộ chum ở Phú Khương và Thạnh Đức, được các nhà khảo cổ người Pháp định danh là Kho chum Sa Huỳnh.
 
Tiến sỹ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Đến năm 1936, tạp chí Những người bạn Huế xưa, bà Colani đã đưa ra một thuật ngữ trong bài viết của mình gọi là Văn hoá Sa Huỳnh. Bà Colani đã so sánh những khu mộ chum được phát hiện ở cổ dân Khương Hà với Văn hoá Đông Sơn. Lúc đó bà Colana đưa ra thuật ngữ khoa học về Văn hoá Sa huỳnh. Đây là một mốc khởi đầu để gọi tên về nền Văn hoá Sa Huỳnh.

 
 
Địa danh Sa Huỳnh đã được dùng làm tên gọi cho một nền văn hoá, văn hoá Sa Huỳnh. Văn hóa Sa Huỳnh đồng đại với hai nền văn hoá khác là Đông Sơn ở Bắc Bộ, và Óc Eo ở Nam Bộ, trở thành 3 trung tâm văn hoá thời kim khí ở nước ta. Những nhà khảo cổ, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước vẫn đang tiếp tục khảo cổ, nghiên cứu về nền văn hoá Sa Huỳnh. Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, những cuộc khai quật quy mô lớn được diễn ra, dần hé mở không gian văn hoá Sa Huỳnh bí ẩn dưới lòng đất. Rất nhiều giả thuyết được đặt ra về nguồn gốc Văn hoá Sa Huỳnh, là nội sinh hay du nhập từ nơi khác đến.

 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam
 
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Khắc Sử, Hội Khảo cổ học Việt Nam cho rằng: Toàn bộ những tư liệu khai quật bằng địa tầng đã chứng minh được sự phát triển tiếp nối từ trước Sa Huỳnh, cho đến Sa Huỳnh. Và người Sa Huỳnh cũng không phải nền văn minh đó đi đâu mà phát triển sau nữa là hậu Sa Huỳnh. Đó là là con đường phát triển mang tính bản địa ở đây. Và đóng góp vào nền văn hoá nói chung của miền Trung bộ Việt Nam, một mảng màu rất đặc biệt.

 
 
Những cuộc khai quật trên các đảo gần bờ, thung lũng núi ở Quảng Ngãi đã mở ra không gian mới về văn hoá Sa Huỳnh. Cuối thập niên 90 và những năm 2000, các nhà khảo cổ đã phát hiện những ngôi mộ chum ở Cù Lao Ré Lý Sơn. Bộ sưu tập văn hoá Sa Huỳnh ở Lý Sơn chứng minh dòng chảy văn hoá Sa Huỳnh từ lục địa sang các đảo gần bờ. Những phát hiện mới về mộ chum ở hồ Nước Trong thể hiện sự đặc sắc của nền văn hoá Sa Huỳnh. Sau đó là những cuộc cuộc khai quật và tìm thấy dấu tích của văn hoá Sa Huỳnh ở huyện Sơn Hà và huyện Trà Bồng. Nhận diện được cả lớp cư dân Sa Huỳnh cổ sống ở đây từ rất sớm, thể hiện sự đặc sắc của văn hoá Sa Huỳnh trong phân bố đa dạng, từ đồng bằng duyên hải ra các đảo gần bờ, rồi lên thung lũng giáp với cao nguyên.

 

Tiến sỹ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi
 
Tiến sỹ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi cho rằng: Từ đó người ta mới nhận diện ra sự đặc sắc của Văn hoá Sa huỳnh nó đa dạng trong sự phân bố. Không chỉ là cái đồng bằng duyên hải mà còn ra đảo gần bờ, rồi lên thung lũng núi giáp với cao nguyên. Như vậy rõ ràng không gian cư trú của cư dân Sa Huỳnh mở ra hơn.

 
 
3.000 năm trước, nền văn hóa Sa Huỳnh bắt đầu hình thành ở giai đoạn sớm, kéo dài hơn 1.000 năm, và kết thúc ở thế kỉ 2 sau công nguyên. Những dấu tích của nền văn hóa cổ này đã bị thời gian chôn sâu trong lòng đất suốt gần 2.000 năm. Và rồi người hiện đại đã phát hiện ra và say sưa nghiên cứu trong hơn 100 năm nay. Văn hóa Sa Huỳnh được giải mã. Lịch sử của nền văn hóa Sa Huỳnh phát lộ và đang được phát họa lại. Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh được xếp hạng quốc gia đặc biệt. Và Giá trị của nền văn hóa cổ xưa rực rỡ đang được tiếp nối và phát huy ở một vùng đất được dùng để đặt tên cho nền văn hóa ấy./.
 
Thời sự Truyền hình PTQ 19h45 ngày 22/3/2023/Tăng Thư, Thảo Linh, Ngọc Điệp, Mỹ An
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng