Tin tức

Sầu riêng - niềm vui chung của nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp

Thứ tư, 08/02/2023 - 14:38

Gần đây, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được cấp nhiều mã số vùng trồng sầu riêng, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, cùng với đó, giá bán sầu riêng liên tục tăng cao, khiến nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp phấn khởi, vui mừng.


Sầu riêng - niềm vui chung của nhiều nhà vườn ở Đồng Tháp
 
Tháng 9/2022, tỉnh Đồng Tháp có mã số vùng sầu riêng đầu tiên đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, diện tích hơn 16 ha. Bà Phan Thị Ngọc Hương ở xã Mỹ Long phấn khởi vì vườn sầu riêng 10.000m2 của bà nằm trong vùng được cấp mã số và mang lại nhiều lợi ích.

Bà Phan Thị Ngọc Hương, xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp, nói:Thứ nhất là không còn lo trúng mùa rớt giá, có nghĩa là khi được xuất khẩu sang Trung Quốc với diện chính ngạch thì giá ổn định; thứ hai không lo thương lái ép giá vì có Hợp tác xã đứng ra lo liệu khâu tiêu thụ.

Trên địa bàn tỉnh có 32 vùng trồng sầu riêng được cấp mã số, diện tích hơn 708 ha. Trong đó, 23 vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với gần 520 ha. Hiện nay, nhu cầu về sầu riêng của thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Những ngày gần đây, giá sầu riêng tăng “nóng”, thương lái thu mua tại vườn với giá cao kỷ lục từ 150.000 - 200.000 đồng/kg. Sầu riêng đang có giá hấp dẫn như thế nên nhà vườn Cao Văn Sạch ở xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh rất vui mừng.

  Anh Cao Văn Sạch - Xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp, chia sẻ:Hiện nay, vườn của tôi có 30 cây đang mang trái, ước lượng thu hoạch khoảng 4 tấn. Qua nắm tình hình tiêu thụ, hiện tại, giá bán sầu riêng rất khả quan, ổn định với trên 100.000 đồng/kg.

 

Với giá bán trên 100.000 đồng/kg, người trồng sầu riêng đạt lợi nhuận mỗi năm gần 1 tỷ đồng/ha.

Với giá bán trên 100.000 đồng/kg, giúp người trồng sầu riêng ở Đồng Tháp đạt lợi nhuận mỗi năm gần 1 tỷ đồng/ha, cao gấp hàng chục lần trồng lúa. Hiệu quả kinh tế hấp dẫn, một số nông dân đang tính toán việc đầu tư trồng mới và mở rộng diện tích trồng sầu riêng. Nếu điều này không được kiểm soát thì có thể sẽ xảy ra tình trạng cung vượt cầu.

Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết:Hiện nay, bà con đang thấy giá cả nóng như vậy nên trồng. Nhưng việc rất khó khăn là chi phí mỗi hecta sầu riêng rất cao, trồng cho tới năm thứ 5 thì sầu riêng mới bắt đầu thu hoạch, tốn chi phí từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha. Người trồng sầu riêng đòi hỏi phải có nguồn chi phí dự trữ. Do đó, cảnh báo thứ nhất là về chi phí và thứ hai là vấn đề kỹ thuật trồng.

Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng của Đồng Tháp trên 2.380 ha, dự kiến đến năm 2025, sẽ tăng lên khoảng 3.000 ha. Tỉnh đang quan tâm quản lý vùng trồng sầu riêng, xây dựng vùng trồng chuyên canh và kêu gọi nhà đầu tư chế biến sâu nhằm tăng giá trị; tập huấn khoa học kỹ thuật canh tác sầu riêng để đảm bảo chất lượng, giúp nhà vườn làm chủ kỹ thuật trồng “né” vụ, tránh ứ hàng, dội chợ./.

 
Nhựt An - PV TTXVN tại Đồng Tháp

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng