Tin tức

Làng bánh tét mặt trăng Đại An Khê hối hả vào mùa

Thứ ba, 10/01/2023 - 14:25

Những ngày giáp Tết, làng bánh tét mặt trăng Đại An Khê, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị lại hối hả vào mùa. Cả ngôi làng xuyên đêm “không ngủ” để gói và nấu bánh cho kịp các đơn hàng gần, xa. Đối với người dân Quảng Trị, món bánh “trứ danh” này của làng là thứ không thể thiếu trong mâm cỗ ngày xuân.


Làng bánh tét mặt trăng Đại An Khê hối hả vào mùa
 
Bánh chưng, bánh tét của làng Đại An Khê được gói theo cách riêng, có màu sắc và hương vị không thể trộn lẫn. Với chất lượng thơm ngon, độc lạ của mình, thương hiệu bánh chưng, bánh tét mặt trăng của làng luôn có chỗ đứng và vị trí đặc biệt trong lòng thực khách gần xa. Các hộ làm bánh tại đây đã ngưng nhận đơn từ đầu tháng 12 Âm lịch do “cung không đủ cầu”.

Ông Đào Bá Vây - Xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, chia sẻ: bánh chúng tôi gói có hình bán nguyệt nên bà con hay gọi là bánh tét mặt trăng. Để có màu xanh đẹp, bắt mát thì chúng tôi sử dụng rau ngót xay vắt lấy nước trộn vào nếp ngoài việc tạo màu ra thì các thành phần dinh dưỡng trong rau cũng tốt cho sức khỏe, bánh ngon.

Tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê được thành lập từ năm 2019, đến nay có 23 hộ gia đình đăng ký hoạt động. Trung bình lượng bánh xuất ra thị trường hàng ngày đạt từ 1.000 - 2.000 bánh tày, 600 bánh tét và bánh chưng/hộ. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán số lượng các đơn hàng đặt bánh của các hộ trong Tổ hợp tác rất cao với khoảng 100.000 bánh các loại.

 

Tổ hợp tác sản xuất bánh tét mặt trăng Đại An Khê được thành lập từ năm 2019.

Bà Hoàng Thị Kim Cúc -  Tổ trưởng Tổ hợp tác Bánh tét mặt trăng Đại An Khê  - Xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, nói:Quá trình hoạt động đến nay, Tổ hợp tác đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn của các cấp, chính quyền địa phương như: tem truy xuất nguồn gốc; dự thi Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; hỗ trợ kinh phí trong việc kiểm nghiệm chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm; hỗ trợ nồi nấu bánh bằng điện... Để bảo vệ được uy tín và thương hiệu của mình, Tổ hợp tác đã thường xuyên tuyên truyền bà con thực hiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình gói và nấu bánh.

Chiếc bánh tét, bánh chưng không chỉ nhắc nhở mỗi người về một món ăn mang đậm biểu trưng văn hóa của dân tộc, mà còn khiến cho mỗi người dân đất Việt tự hào, trân quý hơn một sản vật linh thiêng ngày Tết. Ngày nay, Nghề làm bánh không những góp phần gìn giữ nếp xưa mà còn giúp bà con tăng thêm thu nhập cải thiện cuộc sống, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động ./.

 
 Thanh Thủy -  PV TTXVN tại Quảng Trị
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng