Tin tức

Nhân rộng mô hình giảm nghèo

Thứ ba, 06/12/2022 - 19:27

Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình giảm nghèo để phát huy lợi thế, giúp người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi tư duy sản xuất. Triển khai thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo, tỉnh Quảng Ngãi luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư và nhân rộng các mô hình giảm nghèo, để giúp người dân vượt qua khó khăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 

 
3 năm trước, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ngãi triển khi mô hình “Phát triển chăn nuôi heo bản địa sinh sản” giúp 20 hộ nghèo và cận nghèo ở xã Trà Phú, huyện Trà Bồng phát triển kinh tế. Mỗi hộ được nhận 05 con heo cái, 01 con heo đực và 90kg cám viên. Hộ chăn nuôi còn được hướng dẫn cách chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh nên heo phát triển tốt, sinh sản nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế. Hiện nay nhiều hộ dân ở địa phương đã chọn loại heo này để phát triển kinh tế hộ.
 

Chị Nguyễn Thị Mỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Phú, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi
 
Chị Nguyễn Thị Mỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Phú, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi nói: Chăn nuôi rất là hiệu quả, lúc đầu họ chỉ nuôi một vài con nái thôi, nhưng so với giá cả thị trường heo ngày càng có giá nên có hộ chăn nuôi từ 1 con nái đến 2 con nái, có hộ 3 con, rồi có hộ từ 13 - 15 con.

 
 
Heo đen bản địa hiện đang được thị trường tiêu thụ mạnh. Huyện Trà Bồng định hướng cho các địa phương phát triển chăn nuôi heo bản địa gắn với chuỗi giá trị sản phẩm theo Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Tỉnh Quảng Ngãi cũng đã cho phép huyện Trà Bồng xúc tiến thương mại và đăng kí nhãn hiệu “Heo bản địa Trà Bồng”.

 

Ông Hồ Văn Viện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Giang, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi
 
Ông Hồ Văn Viện, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Giang, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi cho biết: UBND xã cũng lấy nguồn vốn sự nghiệp để hỗ trợ cho bà con nông dân, những hộ có nhu cầu có tâm huyết với công tác chăn nuôi heo đây. Hội Nông dân cũng phối hợp với ngân hàng chính sách để bà con vay có điều kiện chăn nuôi.

 
 
Một mô hình kinh tế hiệu quả khác dự kiến sẽ được tỉnh Quảng Ngãi nhân rộng trong năm tới. Đó là tổ ngành nghề làm nấm tại xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức. Được thành lập vào năm ngoái, tổ hiện có 9 thành viên có kinh nghiệm trồng nấm rơm lâu năm ở địa phương. Ông Nghiêm là một trong những thành viên đầu tiên tham gia với mong muốn được hỗ trợ các hộ gia đình khác phát triển nghề trồng nấm rơm. Bởi nghề trồng nấm rơm tận dụng được phụ phẩm rơm rạ, tạo việc làm và thu nhập khá.

 

Ông Bùi Văn Nghiêm, Thành viên Tổ ngành nghề nấm xã Đức Nhuận, Mộ Đức, Quảng Ngãi
 
Ông Bùi Văn Nghiêm, Thành viên Tổ ngành nghề nấm xã Đức Nhuận, Mộ Đức, Quảng Ngãi cho biết: So với nông nghiệp, thì không thể qua nó được, ngày nào cũng có thu nên thu nhập mình nó ổn định, thứ hai nữa là thời gian mình không có lệ thuộc, hồi tranh thủ, có hồi từ từ cũng được, nó sướng chỗ đó, cái nữa là ổn định thị trường vì bây giờ nguồn cung là mình đáp ứng chưa đủ.

 
 
Những người có kinh nghiệm trồng nấm rơm lâu năm được tập hợp lại và trao đổi kinh nghiệm, truyền đạt kĩ thuật cho các hộ gia đình khác. Hộ gia đình muốn sản xuất nấm cũng sẽ được Hội Nông dân địa phương tạo điều kiện về vốn vay và hỗ trợ về đầu ra sản phẩm.

 

Ông Dương Ngọc Sơn, Thành viên Tổ ngành nghề nấm xã Đức Nhuận, Mộ Đức, Quảng Ngãi
 
Ông Dương Ngọc Sơn, Thành viên Tổ ngành nghề nấm xã Đức Nhuận, Mộ Đức, Quảng Ngãi nói: Ai muốn thích làm thì tham gia vào tổ thì mình sẵn sàng hướng dẫn, chỉ kĩ thuật cho người ta làm. Nếu muốn làm thì phải cố gắng siêng năng và sạch sẽ và phải nghe theo kĩ thuật hướng dẫn.

 

Ông Nguyễn Xuân Lẫm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi
 
Ông Nguyễn Xuân Lẫm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi cho biết: Chúng tôi sẽ liên kết cùng với Hội Nông dân huyện để tìm các tư thương liên quan như là các cửa hàng nông sản sạch để đầu ra nhưng thực tế đến giờ này nấm rơm đầu ra không đủ nên chưa lo, chỉ lo về con người và tạo điều kiện cho ngành nghề nấm này phát triển cho tốt thôi.
 
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng và nhân rộng trên 20 mô hình giảm nghèo. Góp phần tạo sinh kế cho hỗ trợ hộ nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống. Phấn đấu hàng năm đưa tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều trên địa bàn tỉnh duy trì mức giảm từ 1 - 1,5%/năm./.
 
Phi Khanh, Trường Thịnh/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng