Tin tức

Khó khăn trong điều trị trẻ tự kỷ

Thứ ba, 15/11/2022 - 11:11

Số trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây. Trẻ tự kỷ gia tăng gây áp lực lớn trong công tác điều trị. Trong khi nguồn nhân lực can thiệp sâu điều trị ở các cơ sở lại thiếu hụt nghiêm trọng. Việc không được điều trị trong thời gian “vàng” sẽ càng khiến cho trẻ mắc bệnh nặng hơn, chi phí cho điều trị cũng cao hơn nhiều lần.

 

 
Một kèm một là yêu cầu đặt ra trong chăm sóc trẻ rối loạn phổ tự kỷ để có kết quả. Nhưng trên thực tế, việc này rất khó thực hiện ở Khoa Tâm căn - Tâm thần trẻ em - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Khoa chỉ có 07 điều dưỡng nhưng phải đảm nhiệm công việc can thiệp tới 53 trẻ rối loạn phổ tự kỷ, gây áp lực lớn trong điều trị. Thiếu nhân lực nên nhiều trường hợp đăng ký điều trị mới phải chờ do Khoa đã quá tải.
 

Bà Trần Thị Phong Hậu, Cử nhân tâm lý, Khoa Tâm căn - Tâm thần trẻ em - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh
 
Bà Trần Thị Phong Hậu, Cử nhân tâm lý, Khoa Tâm căn - Tâm thần trẻ em - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Tâm thần tỉnh cho biết: Trẻ tới Bệnh viện Tâm thần khám rất là đông, chủ yếu là gia đình cảm thấy trẻ chậm nói so với lứa tuổi của trẻ, không biết lấy những đồ vật mong muốn nên gia đình băn khoăn và chở bé đi khám.

 
 
Trung tâm can thiệp sớm và nuôi dạy trẻ khuyết tật Tâm Việt, Tp. Quảng Ngãi hiện có 10 giáo viên nhưng phải kiêm nhiệm cùng lúc các khâu chăm sóc, can thiệp cho tận 75 trẻ khuyết tật, trong đó có nhiều trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ. Cái khó của trung tâm này là có rất ít người được đào tạo đúng chuyên môn, nghiệp vụ để chăm sóc trẻ tự kỷ một cách khoa học.

 

Anh Bùi Quang Thuận, Giám đốc Trung tâm can thiệp sớm và nuôi dạy trẻ khuyết tật Tâm Việt
 
Anh Bùi Quang Thuận, Giám đốc Trung tâm can thiệp sớm và nuôi dạy trẻ khuyết tật Tâm Việt cho biết: Hiện tại số lượng trẻ tự kỷ cũng như trẻ khuyết tật ngày càng tăng, số lượng giáo viên đang rất là thiếu. Mình liên tục tuyển để có thể có đủ lượng giáo viên để phục vụ trẻ trẻ tại trung tâm.

 
 
Để có thể chẩn đoán trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ cần phải trải qua nhiều bước, từ thăm khám ban đầu đến các bài test và kiểm tra sức khoẻ đánh giá tình trạng của trẻ. Mất ít nhất từ 1 đến 2 năm điều trị, trẻ rối loạn phổ tự kỷ mới có thể hoà nhập với cộng đồng. Giai đoạn vàng để can thiệp là từ 2,5 tuổi đến 6 tuổi. Qua giai đoạn này, việc điều trị cho trẻ sẽ rất khó và mất rất nhiều thời gian, chi phí của gia đình.

 
 
 
Bác sỹ Phạm Thị Thu Trà, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi
 
Bác sỹ Phạm Thị Thu Trà, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần tỉnh Quảng Ngãi nói: Nhà nước sớm quan tâm, có chính sách hỗ trợ cũng như nguồn tài chính để đào tạo nguồn nhân lực y tế, can thiệp điều trị chứng tự kỷ càng ngày có chuyên môn sâu, thứ hai làm sao cho trẻ tự kỷ được hỗ trợ, thanh toán nguồn bảo hiểm y tế xứng đáng đúng với quyền lợi của trẻ, thứ 3 cử nhân tâm lý nằm trong mã ngạch y đảm bảo trách nhiệm quyền lợi cho trẻ.
 
Can thiệp cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ giai đoạn “vàng” sẽ giúp cho trẻ có cơ hội hoà nhập cộng đồng sớm, giảm bớt những thiệt thòi mà trẻ phải gánh chịu. Thế nhưng nhiều trẻ rối loạn phổ tự kỷ ở giai đoạn “vàng” vẫn phải chờ để được can thiệp điều trị./.
 
Bình Minh, Ngọc Hoàng/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng