Tin tức

Nâng tầm du lịch văn hóa

Thứ sáu, 30/09/2022 - 15:06

Việt Nam vừa gây chú ý khi giành 49 giải thưởng hàng đầu khu vực châu Á tại Lễ trao Giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) khu vực châu Á và châu Đại Dương 2022 vào đầu tháng 9 vừa qua. Điều này tiếp tục khẳng định vị thế và sức cuốn hút của du lịch Việt Nam trong khu vực và là điểm đến an toàn, chất lượng, hấp dẫn của du khách trước và sau dịch Covid-19. Trong đó, du lịch văn hóa là 1 trong những động lực phát triển quan trọng của ngành du lịch.


Những điểm đến di tích, di sản, làng nghề tại Hà Nội đã phục hồi trở lại.
 
Những điểm đến di tích, di sản, làng nghề tại Hà Nội đã dần phục hồi trở lại. Đây là những điểm đến mà khách du lịch trong nước và quốc tế yêu thích khi đến Hà Nội. Được coi là nơi hội tụ, kết tinh những giá trị văn hóa nghìn năm, những người làm du lịch thủ đô đã và đang xây dựng nhiều sản phẩm du lịch gắn với văn hóa di sản, làng nghề, ẩm thực.

Ông Trần Trung Hiếu – Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, nói: Tập trung chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn khai thác giá trị du lịch di sản và du lịch di sản văn hóa luôn chiếm tỷ trọng lớn các sản phẩm du lịch Hà Nội. Du lịch Hà Nội cũng yêu cầu đảm bảo các yếu tố khai thác tốt giá trị tinh thần tạo nên bản sắc đảm bảo phát triển bền vững.

Cùng với Hà Nội, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Quảng Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, Phú Quốc... đã được nhiều Tạp chí du lịch quốc tế, trang thông tin điện tử hướng dẫn du lịch hàng đầu thế giới bình chọn là top điểm đến giàu bản sắc văn hóa nhất, hấp dẫn nhất châu Á. Nhiều di sản văn hóa đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch hoàn chỉnh, thu hút khách du lịch.

Ông Hoàng Đạo Cầm - Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nói: Chúng ta có nhiều điểm đến rất đẹp như cố đô Huế, Hội An, Hạ Long, Phong Nha, là những điểm đến rất đặc biệt, Hội An là điểm đến danh sách hàng đầu châu Á, không chỉ bởi lịch sử cảnh quan mà bởi những nỗ lực bảo tồn rất hiệu quả với những di sản này. 

 

Nước ta là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tới 39 di sản.

Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu cụ thể phát triển các ngành công nghiệp du lịch văn hóa chiếm 10 - 15% trong số 18.000 triệu USD doanh thu từ khách du lịch. Kỳ vọng đến năm 2030, ngành du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch. Để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi những người làm văn hóa và du lịch sáng tạo hơn nữa để chuyển thể những câu chuyện văn hóa thành sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có. Du lịch Việt Nam cần thêm nhiều những điểm nhấn như "Tinh hoa Bắc Bộ, Tinh hoa Việt Nam, Ký ức Hội An...

Nước ta là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tới 39 di sản; trong đó có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, 12 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 3 công viên địa chất toàn cầu. Theo kết quả khảo sát, hoạt động tham quan di sản văn hóa là hoạt động được khách du lịch quốc tế ưa thích thứ hai, chỉ sau nghỉ dưỡng tắm biển. Vì vậy, định vị thương hiệu quốc gia là điểm đến di sản cũng là mục tiêu để nâng tầm du lịch văn hóa Việt Nam./.
 

 
Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng