Ngày 13/9, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức Lễ công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống, Lễ hội Cầu Bông của người Kinh ở Bình Phước tại di tích đình thần Tân Khai, thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản.

Công bố Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Cầu Bông
Từ ngôi đình đầu tiên là đình Hưng Long được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ XIX, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 6 ngôi đình được hình thành để đáp ứng nhu cầu thờ cúng và thực hành tín ngưỡng dân gian của người Kinh ở Bình Phước. Cùng với quá trình đó, các lễ hội ở các ngôi đình được hình thành và tồn tại cho đến ngày nay, trong đó có Lễ hội Cầu Bông. Đặc trưng canh tác nông nghiệp của người Kinh ở Bình Phước trước đây phụ thuộc vào nguồn nước tự nhiên, nhiều rủi ro. Do đó, hằng năm vào các tháng 6, 7, 8, 9, 10 âm lịch, các đình, miếu ở Bình Phước lần lượt tổ chức Lễ hội Cầu Bông nhằm dâng hương tưởng nhớ các bậc tiền nhân đã có công khai phá, tạo dựng xóm làng mới trong thời kỳ khai hoang, mở cõi; cầu cho trời đất, các vị thần linh phù hộ người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tại buổi lễ, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao Giấy chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội truyền thống, Lễ hội Cầu Bông của người Kinh tại các huyện Hớn Quản, Chơn Thành, Bù Đăng và thị xã Bình Long./.
Theo TTXVN