Tin tức

Vươn lên thoát nghèo từ chổi chít

Thứ sáu, 05/08/2022 - 07:00

Từ khi được UBND tỉnh Hà Giang công nhận làng nghề vào năm 2013, Làng nghề chổi chít thị trấn Việt Lâm,Vị Xuyên đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập ổn định. Đến nay người dân vẫn cần cù gắn bó với nghề và quyết tâm đưa cây chổi bông chít đến với mọi nhà cũng như xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.


Vươn lên thoát nghèo từ chổi chít
 
Gia đình ông Phạm Văn Học, thị trấn Việt Lâm, Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang đã gắn bó với nghề chổi chít gần 20 năm nay. Nếu những năm đầu tiên được công nhận làng nghề giúp thu nhập của gia đình ông ổn định thì sau 2 năm dịch Covid-19 bùng phát, giá của cây chổi chít giảm đáng kể khi giá nguyên liệu, tiền thuê nhân công ngày càng tăng. Mỗi tháng thu nhập của 2 vợ chồng chỉ còn 6 triệu đồng.

Ông Phạm Văn Học - Thị trấn Việt Lâm, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nói:Chổi Hà Giang được gọi là chổi mây vì chỉ có dây mây và lạt quấn vào thôi, mấy năm nay không ăn thua đâu, nguyên liệu thì đắt...

Để làm ra một cây chổi chít, cũng rất cầu kỳ, mỗi nhà có một cách làm riêng. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công, nhẹ nhàng, không tốn nhiều công sức. Nghe qua có vẻ dễ, nhưng để làm một cây chổi đẹp, bền cần sự khéo léo, tinh tế. Người làm chổi cũng phải tần tảo, chịu khó thì mới theo nghề được lâu.

 

Để làm một cây chổi đẹp, bền cần sự khéo léo, tinh tế.

Năm 2003, hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp Việt Thành được thành lập với mục đích đứng ra đại diện các hộ làm chổi chít để thu, mua và bán cho các thương lái ở các tỉnh Hà Nội, Hải Dương… Sau dịch Covid-19 từ 120 hộ đến nay cả thị trấn chỉ còn khoảng 90 hộ làm nghề. Trước sự cạnh tranh của thị trường hiện nay, để các hộ gia đình không bỏ nghề, ông Nguyễn Văn Mịch đang tìm cách xuất khẩu sản phẩm này ra nước ngoài.

Ông Nguyễn Văn Mịch – Trưởng Ban quản lý làng nghề, thị trấn Việt Lâm,  huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, nói:Chúng tôi tìm hiểu thêm,về thành phố mới biết người ta chuyển chổi của mình sang Mỹ…

Qua bao đời, nghề chổi chít cứ thế thịnh hành ở đất này. Thế nhưng để người dân nơi đây “ly nông không ly hương” thì vẫn cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính quyền, các tổ chức để giúp người dân phát triển sản xuất, từng bước hình thành thương hiệu của chính mình./.


 
Theo TTXVN

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng