Tin tức

Khu chứng tích Sơn Mỹ: Điểm đến của khát vọng hòa bình

Thứ ba, 15/03/2022 - 22:21

Ngày 16/3, tưởng niệm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ, vụ thảm sát dân thường làm chấn động toàn cầu cách đây 54 năm. Vào buổi sáng ngày 16/3/1968, 504 thường dân vô tội tại Sơn Mỹ, nay là xã Tịnh Khê, Tp. Quảng Ngãi đã bị giết hại. Năm 1976, tức 08 năm sau thời điểm xảy ra vụ thảm sát, Khu Chứng tích Sơn Mỹ được xây dựng. Nơi đây gìn giữ một khu vực chứng tích hiện trường, trưng bày hình ảnh, hiện vật và đặt tượng đài tưởng niệm 504 nạn nhân. Gần nửa thế kỷ qua, Khu Chứng tích Sơn Mỹ đã trở thành điểm đến của khát vọng hòa bình.

 

Khu chứng tích Sơn Mỹ, điểm đến của khát vọng hòa bình 
 
Sau thời gian dài đóng cửa do dịch bệnh, từ đầu năm 2022, Khu Chứng tích Sơn Mỹ đã mở cửa trở lại. Đã có trên 3.000 lượt khách đến đây trong những tháng đầu năm. Những ngày gần đến Lễ tưởng niệm 54 năm ngày xảy ra vụ thảm sát Sơn Mỹ, càng nhiều đoàn và du khách đến tham quan.
 
Anh Nguyễn Cảnh Lễ, Phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định

Anh Nguyễn Cảnh Lễ, Phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định bày tỏ: Tôi thấy ở đây còn lưu giữ lại những gì còn sót lại sau chiến tranh. Cho người tham quan tự tưởng tượng, tái hiện lại quãng thời gian đó là như vậy, con người ở đây là như vậy. Những chum vại, cái nôm, đến đây đọc, coi hiểu thêm về lịch sử ở đây.
 
 
Khu chứng tích Sơn Mỹ hiện đang trưng bày 120 hiện vật liên quan đến vụ thảm sát Sơn Mỹ. Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ đã sưu tầm, bổ sung và trưng bày thêm nhiều hiện vật của những nạn nhân trong vụ thảm sát. Hướng trưng bày theo cách thể hiện những câu chuyện của những nạn nhân ở làng quê Sơn Mỹ. Hiện vật, hình ảnh được chắt lọc, mang đến sự xúc động nhất, phục vụ khách tham quan.

 

Chiếc áo của cháu Trương Thị Hoa, nạn nhân bị lính Mỹ sát hại, Chiếc dép của cháu Trương Thị Khai, 04 tuổi, nạn nhân trong vụ thảm sát Sơn Mỹ


Chiếc kẹp tóc của cô Nguyễn Thị Huỳnh, nạn nhân bị lính Mỹ sát hại, được người yêu của cô giữ gìn suốt 8 năm trước khi giao nó cho Nhà Chứng tích


Ống xoáy trầu của bà Nguyễn Thị Phước, nạn nhân của vụ thảm sát Sơn Mỹ 


Chị Đinh Thị Minh Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Khu Chứng tích Sơn Mỹ
 
Chị Đinh Thị Minh Hải, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Khu Chứng tích Sơn Mỹ, Quảng Ngãi cho biết: Chúng tôi lựa chọn hiện vật có giá trị lịch sử cao để thuyết minh các câu chuyện lịch sử gắn liền với nạn nhân. Quá trình sưu tầm, chúng tôi ghi lại những câu chuyện xúc động, để khi du khách đến sẽ được nghe câu chuyện kể về hình ảnh và hiện vật gắn liền với nạn nhân của vụ thảm sát.

 
 
Khu Chứng tích Sơn Mỹ là di tích quốc gia. Nhiều năm qua, là điểm tham quan thu hút rất đông khách du khách trong và ngoài nước. Mọi người đến đây để tìm hiểu về nỗi đau do chiến tranh và chứng kiến sự hồi sinh của làng quê Sơn Mỹ. Trong xu hướng bình thường mới, khi Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3, Khu Chứng tích Sơn Mỹ cũng đã chuẩn bị các điều kiện để đón khách quốc tế.

 

Bà Phan Thị Vân Kiều, Giám đốc Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ

Bà Phan Thị Vân Kiều, Giám đốc Ban Quản lý Khu Chứng tích Sơn Mỹ, Quảng Ngãi nói: Chúng tôi đã chuẩn bị các điều kiện đón khách quốc tế, đảm bảo phòng chống dịch. Bộ phận thuyết minh tiếng Anh, cách trang trí lại Nhà trưng bày, đón lượng khách quốc tế nhiều năm trước chúng tôi có được. Khách đến sẽ tuyên truyền, kêu gọi sự hòa bình để không có vụ thảm sát Sơn Mỹ nào xảy ra trong tương lai. Đó là thông điệp, mong muốn lớn nhất của chúng tôi muốn đạt tới.
 
 
54 năm nỗi đau Sơn Mỹ, làng quê đã xanh màu sự sống. Khu Chứng tích Sơn Mỹ với hiện trường về vụ thảm sát được lưu giữ. Những hình ảnh, hiện vật được trưng bày sẽ mãi kể cho chúng ta những câu chuyện tang thương, những tội ác của chiến tranh, và thấm thía nỗi đau ấy để cùng hướng tới một khát vọng: Hòa bình./.                                                                                               
 
Minh Hiền, Lương Triều/PTQ
 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng