Văn hóa
Thứ 4, 03/03/2021 | 09:12:00 [(GMT +7)]
Lặng thầm bảo tồn động vật hoang dã
Thứ 4, 03/03/2021 | 09:12:00 [(GMT +7)]
Hôm nay 3/3 là ngày thế giới bảo vệ động vật hoang dã. Việt Nam có nhiều nỗ lực, hoàn thiện về cơ sở pháp lý, xử lý mạnh mẽ với hành vi buôn bán trái phép động vật hoang dã … Và hôm nay, nhân ngày bảo vệ động vật hoang dã, mời quý vị cũng đến với công việc bảo vệ các loài động vật hoang dã từ những cá nhân thầm lặng.
Lặng thầm bảo tồn động vật hoang dã
Theo thống kê từ Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV, tại Việt Nam, 16/25 loài linh trưởng đang trong tình trạng nguy kịch. Và Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp Cúc Phương đang trở thành ngôi nhà an toàn và tin cậy của hàng trăm cá thể linh trưởng, trong đó có nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng cao. Bị tổn thương từ những vụ buôn bán động vật hoang dã, nên không chỉ cho ăn, trị thương, chị Huế còn dành hết tình cảm chăm sóc cho các cá thể linh trưởng.
Chị Nguyễn Thu Huế, Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp Cúc Phương, Ninh Bình
Chị Nguyễn Thu Huế, Trung tâm cứu hộ Linh trưởng nguy cấp Cúc Phương, Ninh Bình, chia sẻ: ”Ban đầu khi cứu hộ về động vật hầu như được tịch thu từ các vụ buôn bán, thì chúng đã bị thương rất nặng, nên để chăm sóc cứu hộ phục hồi lại rất mất thời gian, có những bạn bọn mình đi cứu hộ từ Đăk Lăk, có những bạn chưa được 1 tháng tuổi, nên về đến nhà đã không thể cứu được”.
Tê tê là loài động vật được buôn bán phổ biến nhất và đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Ít ai biết rằng, việc chăm sóc cho những cá thể tê tê này không hề đơn giản. Các cán bộ của Trung tâm bảo tồn thú ăn thịt và tê tê phải thu nhặt kiến, mối từ tự nhiên làm thức ăn cho chúng. Thiếu thì phải đặt mua.
Anh Trần Quang Phương, Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển, Vườn quốc gia Cúc Phương
Anh Trần Quang Phương, Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển, Vườn quốc gia Cúc Phương, nói: ”Việc đồn đoán nó có khả năng chữa bệnh thì chỉ là đồn đoán, ăn thịt động vật hoang dã thì giống như động vật thông thường thôi”.
Còn đây chính là anh hùng bảo tồn động vật mới được Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế FFI vinh danh hồi đầu năm. Vốn từng là một thợ săn khét tiếng, nay ông Lê Văn Hiên lại gắn bó việc bảo tồn rừng như một sự trả nghiệp. Vứt bỏ cây súng săn, giờ đây hành trang của ông là những thước phim, tấm ảnh quý giá về loài vọoc mông trắng quý hiếm đang cần được bảo tồn. Công việc hàng ngày của ông Hiên là đi thung, gỡ bẫy thú, theo dõi vị trí của đàn vọoc mông trắng và các loài động vật trong rừng, khi phát hiện hành vi phá hoại để báo kiểm lâm xử lý. Mấy năm qua, số lượng Voọc mông trắng tại rừng Kim Bảng đã phát triển từ 40 cá thể đến hơn 100 cá thể, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của ông Hiên.
Ông Lê Văn Hiên, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam
Ông Lê Văn Hiên, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam, nói: ”đi theo dõi đàn vọoc phải nắm được chu kỳ của nó, ví dụ 1 thung này rất rộng, tháng này mình vào ngày nào cũng gặp, nhưng tháng sau thì cả tháng cũng không gặp… nếu không chịu khó mày mò, quan sát theo dõi nó thì khó mà gặp được nó”.
Ngày ngày, những người như ông Hiên, chị Huế, anh Phương vẫn thầm lặng đóng góp cho công việc bảo tồn các loài động vật hoang dã. Tuy nhiên, nỗ lực riêng của từng cá nhân thì chưa đủ. Không cần được vinh danh là anh hùng bảo tồn, họ chỉ muốn truyền đi thông điệp với cộng đồng: Muốn giảm và xóa bỏ nhu cầu sử dụng động vật hoang dã tại Việt Nam, không gì khác là mỗi chúng ta hãy không ăn, không sử dụng và tiếp tay cho buôn bán động vật hoang dã./.
Ý kiến ()