Tin tức

Hiệu quả của mô hình CLB “không sinh con thứ ba”

Thứ hai, 01/03/2021 - 09:39

Năm 2020, Kon Tum có tỉ lệ tăng dân số tự nhiên là 13 trẻ sơ sinh trên 1 nghìn dân, cao nhất của khu vực Tây Nguyên. Nguyên nhân là do tỉ lệ sinh con thứ 3 trở lên còn cao, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, chịu ảnh hưởng bởi những hủ tục lạc hậu,… gây ra khó khăn cho ngành y tế tỉnh trong công tác tuyên truyền. Trong bối cảnh đó, một số mô hình “Câu lạc bộ không sinh con thứ ba” đã trở thành điểm sáng trong công tác dân số tại địa phương.

 

Hiệu quả của mô hình CLB “không sinh con thứ ba”
 
Câu lạc bộ không sinh con thứ ba của xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum được hình thành từ năm 2009. Ban đầu, câu lạc bộ chỉ có 10 thành viên, nhưng đến nay đã có 26 chị em tham gia, trong đó có 25 người là đồng bào dân tộc thiểu số. Tham gia câu lạc bộ, các chị nhận thức được lợi ích của việc sinh ít để có thời gian nuôi dạy và chăm sóc con cái nhờ đó tỉ lệ chị em sinh con thứ ba trong xã cũng đã giảm hẳn.
 

Chị Y Lan, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum
 
Chị Y Lan, xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, chia sẻ: ”Em được các cô trau dồi kiến thức về không sinh con thứ ba, thứ nhất là rèn luyện con, chăm sóc và làm sao để phòng tránh tốt nhất giữa vợ và chồng, vừa có phương án tốt nhất làm sao để vừa bên kinh tế, trau dồi cho con cái làm sao tốt nhất. Không sinh con thứ ba cái đầu tiên là kinh tế, làm sao để ổn định nhất, làm sao để lo được cho con để có ý định sinh tiếp. Theo em thì em sinh hai là đủ”.

 

Bà Y Quar, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum
 
Bà Y Quar, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Pne, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum, cho biết: ”Câu lạc bộ không sinh con thứ ba trên địa bàn thì cũng được nghe các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Bên cạnh đó được tuyên truyền Luật hôn nhân gia đình, Luật bình đẳng giới và được tư vấn về sử dụng biện pháp tránh thai, tôi thấy thời gian qua rất hiệu quả. Qua đó, giảm được tỉ lệ sinh con thứ ba, giảm được nghèo. Kinh tế xã hội trên địa bàn cũng có bước phát triển, thu nhập bình quân đầu người đạt 18 triệu đồng/người/năm”.

 
 
Xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông có tới gần 52% chị em sinh con thứ 3 trở lên. Tuy nhiên, mới đây, thôn Ty Tu đã xây dựng được mô hình câu lạc bộ không sinh con thứ ba. Cùng với việc sinh hoạt định kỳ, cán bộ dân số nơi đây cũng thường xuyên đến nhà vận động chị em tham gia câu lạc bộ.

 

Chị Ksor Thị Thủy, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum
 
Chị Ksor Thị Thủy, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum, nói: ”Các chị em phụ nữ tham gia câu lạc bộ không sinh con thứ ba trở lên thực hiện rất tốt. Khi họ sinh hoạt trong câu lạc bộ thì họ về họ vẫn tuyên truyền cho những phụ nữ không có trong câu lạc bộ để hiểu rõ hơn về tác hại và hậu quả của việc sinh con thứ ba”.

 

Ông Từ Hữu Phước, Phó Chi cục trưởng Chi cục DSKHH Gia đình tỉnh Kon Tum
 
Ông Từ Hữu Phước, Phó Chi cục trưởng Chi cục DSKHH Gia đình tỉnh Kon Tum, nói: ”Với nhiều hoạt động thiết thực, các câu lạc bộ không sinh con thứ ba ở Kon Tum đã góp phần hoàn thành mục tiêu về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao chất lượng dân số ở địa phương. Trong thời gian tới, Chi cục dân số kế hoạch hóa gia đình tiếp tục tham mưu Sở Y tế, các cấp ủy đảng, chính quyền phối hợp với các ban ngành, đoàn thể, nhất là hội Liên hiệp phụ nữ để nhân rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả của mô hình này”.

 
 
Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh Kon Tum có 56 câu lạc bộ không sinh con thứ ba với gần 3.000 thành viên. Hoạt động hiệu quả từ những mô hình này mang đến những tín hiệu tích cực cho công tác tuyên truyền dân số, kế hoạch hóa gia đình của tỉnh Kon Tum./.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng