Tin tức

Người Cơ Tu bỏ tục đâm trâu trong ngày Tết

Thứ bảy, 13/02/2021 - 15:49

Theo phong tục từ ngàn xưa, mỗi dịp Tết Nguyên đán, đồng bào Cơ Tu ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ hội đâm trâu để mừng năm mới, cầu nguyện mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Những năm trở lai đây, đồng bào nơi đây đang dần xóa bỏ phong tục này vì không còn phù hợp.

 

Người Cơ Tu bỏ tục đâm trâu trong ngày Tết
 
Xã Thượng Lộ có đến 95% dân số là người Cơ Tu. Đây cũng là một trong những địa phương tiên phong xóa bỏ phong tục đâm trâu. Tại nhà gươl truyền thống thôn Dỗi, xã Thượng Lộ có những chiếc đầu trâu được treo trên cột chính giữa nhà. Đây là minh chứng cho một phong tục có truyền thống lâu đời của người Cơ Tu. Ngày nay, phong tục này đã được bà con đồng bào dần xóa bỏ.
 

Già làng Vương Văn Cừa, Xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế
 
Già làng Vương Văn Cừa, Xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế nói: vì tiền bạc, có người ít tiền mua không nỗi. Thứ hai vì thời gian rất lâu, làm lễ hội trâu phải mất một ngày một đêm bà con phải ngồi ở đó rất mất công. Thứ ba nữa là thấy khó coi, khó nhìn quá. Treo trâu rồi nhảy múa rồi đâm trâu, dã man quá.
 
Lễ hội đâm trâu là phong tục truyền thống lâu đời và nét văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Vì vậy, vận động đồng bào xóa bỏ phong tục này là một việc làm rất khó khăn. Song, với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đặc biệt, các già làng, trưởng bản người có uy tín là cầu nối để truyền tải, thuyết phục người dân thấy được việc đâm giết trâu tại lễ hội là hành động thiếu nhân văn, cần được xóa bỏ.

 

Già làng Hồ A Ray, Xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế
 
Già làng Hồ A Ray, Xã Thượng Long, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ: Ngày xưa rất nhộn nhịp, vui vẻ, người Cơ Tu rất thích thú, nhưng bây giờ vì điều kiện không có cái đó thì chúng tôi mổ lợn, mổ gà tổ chức văn nghệ vui chơi, cây nhà lá vườn rất vui, sỗi nổi. Đặc biệt giữ được nét đẹp văn hóa đời sống mới.

 
 
Với đồng bào Cơ Tu, con trâu là con vật may mắn mới được chọn để làm vật tế thần. Ngoài dịp Tết Nguyên đán, người Cơ Tu thường tổ chức lễ hội đâm trâu vào các dịp lễ lớn như mừng lúa mới, cúng Giàng, lễ tạ ơn, cưới xin và lễ cúng nhà mồ.

 

Chị A Lăng Thị Bé, Xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, Thừa Thiên – Huế
 
Chị A Lăng Thị Bé, Xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, Thừa Thiên – Huế cho biết: Để cảm ơn một năm mới mưa thuận gió hòa chúng tôi thường góp nhau để mua một con trâu để chào đón năm mới qua một quá trình chúng tôi thấy việc đâm trâu không nhân văn và nhờ sự quan tâm truyền đạt của cán bộ xã, cán bộ thôn thì chúng tôi thấy không phù hợp nữa. Việc xóa bỏ lễ hội đâm trâu không ảnh hưởng gì đến phong tập tập quán ở đây, vẫn giữ nét đẹp văn hóa của người đồng bào.

 
 
Huyện miền núi Nam Đông hiện có gần 40 bản, làng của 6 xã, với khoảng 70%  dân cư là đồng bào dân tộc người Cơ Tu. Với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, trước tiên là các già làng, trưởng bản đồng tình ủng hộ và thuyết phục người dân, cho nên hiện nay, việc đâm trâu trong các lễ hội không còn diễn ra ở các bản làng.

 

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế
 
Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Để không xảy ra tình trạng đâm trâu thì phải vận động tuyên truyền người đứng đầu cấp ủy, chính quyền đặc biệt là già làng trưởng bản, người có uy tín phải vận động, tuyên truyền, lấy địa phương làm được để cho các địa phương chưa làm được học theo.

 
 
Không khí Tết đã ngập tràn khắp nơi tại huyện miền núi Nam Đông, nhà nhà, người người hân hoan đón mùa xuân mới với hy vọng cuộc sống sẽ ấm no, sung túc hơn trong năm mới, dù không phong tục đâm trâu./.

 

Thích và chia sẻ bài viết qua

Nhập bình luận của bạn:

Ý kiến bạn đọc ()

Cột phải trênCột phải trên
Lịch phát sóng